Người Quảng Nam - Phần 1

       Hôm nay đọc những tản văn đầu tiên của Nguyễn Nhật Ánh trong cuốn " thương nhớ Trà Long " tôi mới mua hai hôm trước. Tự nhiên thấy yêu mến Quảng Nam ghê. Từ vùng đất khởi nguồn cho những cái tên trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, con người trong tác phẩm văn học, con người tiếp xúc đời thường , ... cho đến món mì Quảng mà không đọc chắc tôi cũng yêu mến nó gần như là nhất trong các món ăn. Hai từ Quảng Nam tôi cũng nghe lâu rồi, nhưng chỉ mới để ý khi lên Đại học. Đó là những đứa bạn cùng lớp với giọng nói khó nghe vô cùng. Trong ký ức của tôi. Quảng Nam đặc biệt bắt đầu từ cách gọi chiếc xe đạp mà chị con o kể. Chỉ bảo chị có con bạn người Quảng Nam và anh bạn người Quảng Nam. Không biết 2 anh chị có quan hệ như thế nào nhưng mỗi lần chị đi chơi đều nói " anh ơi cho em mượn cái xe độp ". Câu chuyện thì chỉ có thế nhưng người kể và người nghe đều thấy vui vô cùng. Bây giờ ngồi nghĩ lại cũng thấy buồn cười mà thực ra câu chuyện cũng chẳng có gì. Lần thứ hai tôi bắt gặp từ Quảng Nam là trên báo hoa học trò ra năm 2007. Bài viết nói về một vùng quê mà con người ở đấy như thế nào đấy tôi cũng không nhớ nhưng cái đặc biệt là ở đấy người ta không gọi là xe đạp mà là xe độp, không gọi xe lam mà gọi xem lôm. Quảng Nam với Quảng Bình cùng giống nhau chữ " Quảng " nhưng thực tình tôi không biết nó nằm ở đâu. Quảng Nam nằm dưới Đà Nẵng, Đằng Nẵng nằm dưới Huế mà điều đó thì lúc xa nhà đi học Đại học tôi mới biết. Ngay cả Hà Tĩnh nằm cạnh Quảng Bình lên lớp 12 tôi mới biết cơ mà. Chính vì thế tôi nhắc đến Quảng Nam giống như là một vùng đất xa la, bí hiểm chỉ có thể biết qua báo hoặc là những giai thoại mang tên " xe độp ".



         Hình như tôi cũng đã một lần gặp qua từ Quảng Nam trong tác phẩm "quán gò đi lên" của Nguyễn Nhật Ánh nhưng không để ý lắm. Do mua về mà chỉ mới đọc một lần rồi bị bạn mượn làm mất nên tôi không nhớ rõ chi tiết cuốn đó lắm. Câu chuyện tôi nhớ rõ là thế này. Có một quán ăn ở Sài Gòn mở bán các món ăn ở Quảng Nam. Khách Quảng Nam xa quê thường vào đó ăn, mong sẽ gặp lại được một chút gì đó của quê hương, như một người Quảng nói giọng Quảng. Nhưng họ đều thất vọng vì quán bán món Quảng Nam mà không hề có người Quảng Nam. Theo tôi nhớ là ông chồng là người Quảng, nhưng bà chủ quán thì không. Mà ông chồng thì mất rồi thì phải, nên bà chủ quán có ý định gọi một số đứa con cháu ở dưới quê lên phụ bán. Để cái quán bán đồ Quảng có chút giọng Quảng. Ban đầu kêu con em lên, mà nó thì ham chơi chứ không thích phục vụ quán nên lên thành phố vài ngày thì về. Sau đó kêu con chị lên. Con chị người Quảng mà lúc mới gặp nói giọng rất lạ. Gặng hỏi mãi nó mới nói do con em bảo lên thành phố thì đừng nói giọng ở quê không người ta cười. Làm mấy đứa làm trong quán ai cũng ôm bụng cười. Còn một chi tiết buồn cười tôi nhớ trong truyện "Quán gò đi lên" nữa là lúc nhân vật chính chở con chị đi mua lốp xe đạp. Do căng thẳng và sợ quê vì giọng Quảng Nam hay sao mà lúc gặp người bán con chị run run hỏi : "Chú ơi ... bán cho con ... cái láp xe độp" chú gặp hỏi lại "Cái gì ?". "Dạ cái láp xe độp". Sau đó con chị mới nhận ra mình nói lái, bị người bán nạt cho cái tội đi mua láp xe độp à không lốp xe đạp mà còn chơi chữ.

       Khi tôi lên đại học, lúc mới năm một ngành Kĩ thuật Tài nguyên nước, lớp tôi có mấy đứa Quảng Nam nhưng chỉ vài đứa thôi. Không như năm một ngành Cơ Điện Tử. Một rổ Quảng Nam luôn. Tôi phải nghe giọng Quảng Nam suốt. Tôi không mấy cảm tình với giọng Quảng Nam lắm nên suốt một thời gian tôi không được thoải mái lắm khi bắt chuyện với mấy đứa trong lớp. Đến khi một người bạn gái cùng quê đang ở Hồ Chí Minh gọi điện cho tôi ( tôi rất hiếm khi được bọn con gái gọi điện ) tự nhiên tôi thấy cái giọng ... Đồng Hới nó dễ thương vô cùng. Sao mà thánh thót đến thế. Ngày xưa ở quê sao tôi không nhận ra. Rồi sau đó không còn cuộc điện thoại nào nữa. Ở đây tôi không kể nguyên do. Về giọng Quảng Nam tôi sẽ bắt đầu về mấy đứa học năm một Tài Nguyên Nước. Học một tháng đầu năm một xong, tôi không để ý lắm đến đến gốc gác mấy đứa trong lớp lắm cho đến khi vào trường Quân Sự. Giường phía trên có hai đứa Quảng Nam. Lần bắt chuyện đầu tiên giữa tôi và một đứa Quảng Nam là lúc xếp hàng cho bữa ăn đầu tiên ở trường Quân Sự : " Cái gì đấy ? " Một đứa mặt rất giống thằng nhóc làng bên hồi lớp 9 hay sang chỗ sau nhà tôi chơi đang nhìn vào cái bát tôi đang cầm - cái bát này là cái bát một lần dùng mà tôi cũng mượn của một đứa Quảng Nam, hình như đứa đấy mới là đứa Quảng Nam bắt chuyện đầu tiên, còn cái bát thì đến tận bây giờ nó vẫn còn ở nhà tôi, vẫn làm công việc đựng mắm ruốc hay nước tương do kích thước nhỏ quá. Mặt đứa Quảng Nam vừa hỏi và thằng nhóc ở quê thực tình rất giống nhau, cái tướng đi cũng giống. Nói chung cảm nhận của tôi đó là một khuôn mặt nhìn rất tội nghiệp, đôi mắt thường trĩu xuống nhìn vào xa xăm. Như đang có chuyện buồn về hoàn cảnh. Khuôn mặt đó có lúc đôi môi hé lên nụ cười nhưng hai ba giây sau lại khép lại, thấp thỏm sự đáng thương và nom tội nghiệp. Đấy là tôi nhìn người bắt hình dong vậy thôi chứ cũng không biết hoàn cảnh người ta ra sao. Tôi trả lời "Dăm bông! Cho một nửa nì!" rồi gắp cho nó một nửa số dăm bông trong bát mà thằng cạnh giường đã chia nửa cho tôi, và tôi sẽ còn chia nửa cho nhiều người nữa cho đến khi dăm bông trong bát còn một xí nhưng đủ để nhấm nháp vị mặn trên lưỡi một thời gian. Lúc đó tôi cũng không biết đứa Quảng Nam đó ở lớp nào. Không biết mình còn gặp lại nó không. Tôi muốn mình sẽ còn gặp lại vì khuôn mặt tội nghiệp đó làm tôi rất ấn tượng. Đến tối tôi mới biết là nó là đứa ở phía trên giường tôi. Thì ra là thế. Hèn gì lúc xếp hàng vào phòng ăn nó đứng cùng hàng với tôi. Thời gian sau tôi còn chứng kiến rất nhiều lần khuôn mặt buồn buồn tội nghiệp đó lại khoe hét sự buồn buồn tội nghiệp của mình ra nhiều lần. Tôi tự mình mường tượng ra câu chuyện đứa Quảng Nam có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ vừa điện ra chưa có tiền cho con nộp học, mà sắp đến đợt đóng học phí mới rồi. Trong quá khứ tôi cũng đã rất nhiều lần nhìn người bắt ... hoàn cảnh như thế. Mà sự thực thì toàn ngược lại. Đứa tôi nghĩ nhà rất nghèo mới đậu trường Chuyên của tỉnh xong mà đầu năm đi học đạp cái xe cà tàng hóa ra nhà 2 tầng, ba mẹ làm giáo viên cấp 3, tiền tiêu vặt lúc nào cũng đầy và vẫn cứ tiếp tục tăng. Hiền từ, nhút nhát đoán là không bao giờ có chuyện liên quan tới gái gú nhưng ai mà ngờ một năm sau giật mất người tôi yêu. Còn rất nhiều ví dụ khác cho việc tôi bắt hình sai như thế nào. Nhưng với đứa Quảng Nam này thì hiện tại đến bây giờ tôi vẫn chưa biết. Nhưng dù nó có nghèo khổ tội nghiệp thật thì tôi vẫn không thể giúp đỡ được đâu. Quá khứ tôi đã giúp đỡ người khác quá nhiều rồi. Giúp đỡ mà kiểu từ đầu chí cuối. Giúp từ lúc học kém gần nhất lớp cho đến đi du học Nga. Nhưng cái tôi nhận được luôn là sự phản bội. Tôi nhận ra rằng mỗi lần tôi giúp đỡ ai thì tôi phải nhận lại một sự phản bội hay cái gì đại loại thế. Thế nên để người ta tự chiến đấu với khó khăn của người ta. Mình chiến đấu với khó khăn của mình. Không thể làm giùm chuyện người khác hay để người khác làm giùm chuyện của mình được. Với tôi cũng luôn tin vào luật nhân quả và "định luật cân bằng". Quá khứ làm việc xấu thì tương lai gặp nạn, quá khứ chịu khó thì tương lai đền đáp, được cái này thì mất cái khác. Ai cũng khổ và ai cũng sung sướng như ai chỉ là khác nhau về hình thức thôi. Chính vì thế mà lúc vào năm một ngành Cơ điện tử. Tôi đã từ chối không cho nó ở cùng phòng. Mặc dù tôi ở một mình phòng rộng rãi, còn nó đang phải ở trong căn phòng trọ chứa ba người rất chật chội. Tự nhiên lan man nãy giờ mà quên mất mình đang định kể cảm nhận về giọng Quảng Nam. Giọng của đứa Quảng Nam đó thì cũng dễ nghe, mặc dù nó ồm ồm và vài từ không nằm trong vốn từ vựng tiếng việt của tôi. Đứa Quảng Nam thứ hai tôi nói chuyện là thằng Quảng Nam cho tôi cái bát ăn cơm dùng một lần trong ngày đầu tiên ở trường Quân sự. Giọng nó thì chắc đúng là đặc trưng cho sự khó nghe của giọng Quảng Nam, mặc dù lớp Cơ điện tử có nhiều đứa nói khó nghe hơn nhiều, tôi phải hỏi đi hỏi lại chắc có đến 8, 9 lần mới hiểu, có lúc đến lần thứ 10 không hiểu chúng nó đành viết ra giấy cho tôi đọc, đôi lúc may mắn thì có một đứa tỉnh khác ngồi đó có thể phiên dịch qua lại cho 2 đứa. Tự nhiên đều là người Việt Nam với nhau, cùng dân có chữ "Quảng" mà nói chuyện cũng cần phiên dịch viên như 2 người khác quốc tịch, khác ngôn ngữ. Tôi nghĩ mình sau này chắc mình phải viết ra một phần mềm có thể phiên dịch được tiếng Quảng Nam, nhưng sau khi nghĩ đến phần nhận diện âm thanh khi lập trình tôi đành bỏ ý nghĩ đó đi. Khác với mấy đứa trong lớp Cơ điện tử, đứa Quảng Nam cho tôi mượn bát chỉ cần nói đến lần thứ ... 5 là tôi hiểu. Nên tôi và nó có thể ngồi ngoài biển tâm sự với nhau về việc "làm nghề gì cũng được, miễn là nhiều tiền" hàng giờ liền. Tự nhiên thấy cái việc đấy buồn cười ghê á. Học xong chạy ra biển Nguyễn Tất Thành ngồi tâm sự với nhau, giữa 2 thằng con trai. Ngồi trên bờ chắn xi măng, thả lỏng hai chân xuống dưới, đón những làn gió biển xát vào mặt mát rượi và những tiếng rì rào của sóng biển vang bên tai, cặp xách vẫn mang trên người , khung cảnh thơ mộng giống như trong mấy bức ảnh anime lãng mạn của Nhật ấy. Giờ chỉ thiếu mỗi cái tôi tựa vào vai nó nữa thôi là người đi đường nhìn vào tưởng hai đứa yêu nhau. Nói chung là nó vẫn bị tôi từ chối ... không cho ở cùng phòng. Năm đấy tôi vẫn ở trong phòng trọ rộng rãi và nó ở phòng trọ 3 người.



(hết phần 1)                                                                                       Hoài Niệm Thơ Ấu


Tự Truyện
16:07
1

Nhận xét

Đăng nhận xét

Menu

Search

Recent Comments

Contact Me